Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville lên đường sang Pháp với tên gọi là Văn Ba (anh Ba) để học hỏi những điều mà Người cho là “tinh hoa và tiến bộ” từ các nước Phương Tây nhằm thực hiện công cuộc giải phóng Việt Nam khỏi ách thuộc địa của thực dân Pháp. Năm 1919, Người bắt đầu một chặng đường mới trong hành trình cứu nước với tên gọi là Nguyễn Ái Quốc. Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đồng chí Nguyễn Ái Quốc vượt qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tại làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Năm 1942, để đánh lạc hướng khi hoạt động tại Trung Quốc, Người lấy tên mới là Hồ Chí Minh. Năm 1946, sau khi đất nước giành độc lập, nhiều bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên “Bác Hồ” gửi cho các thanh thiếu niên, học sinh và cũng được quần chúng sử dụng rộng rãi. Từ đó đến nay, cái tên “Bác Hồ Chí Minh” đã trở nên gắn bó, thân thuộc với nhiều thế hệ thanh thiếu niên, nhi đồng.
Trong bộn bề công việc, Bác vẫn luôn dành sự quan tâm và tình thương yêu cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Với cương vị là một lãnh tụ, Người còn kêu gọi tất cả mọi người hãy quan tâm, chăm sóc đến thế hệ mầm non của đất nước. Ngày tết Thiếu nhi, tết Trung thu hay Lễ Giáng sinh, Bác thường gửi quà, tặng thơ, viết thư cho các cháu: “Mỗi năm, đến Tết Trung thu, Bác càng nhớ các cháu. Trung thu trăng trong gió mát là cảnh thái bình. Mục đích của Bác và Đoàn thể cùng Chính phủ là cốt xây dựng cho các cháu đời sống thái bình, tự do, sung sướng…
Nhân dịp Tết Trung thu, Bác gửi các cháu thư này:
Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh?
Tính các cháu ngoan ngoãn,
Mặt các cháu xinh xinh,
Mong các cháu cố gắng,
Thi đua học và hành.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ,
Tuỳ theo sức của mình:
Để tham gia kháng chiến,
Để gìn giữ hòa bình.
Các cháu hãy xứng đáng:
Cháu Bác Hồ Chí Minh!” (1)
Tình yêu thương của Bác đối với các cháu thiếu nhi là vô hạn. Bác không phân biệt thiếu nhi Việt Nam hay thiếu nhi nước ngoài, không phân biệt màu da, tiếng nói, dù ở đâu và khi nào Bác cũng luôn quan tâm và giành tình cảm yêu thương cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trước ngày Bác đi xa, trong di chúc của mình, Bác gửi gắm: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”(2).
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2024), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III xin chọn lọc, giới thiệu một số hình ảnh về Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng đang được bảo quản tại Trung tâm.
Hồ Chủ tịch chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi Việt Kiều tại vườn khách sạn Royae Moncean, năm 1946.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III- ML L2- Chủ tịch Hồ Chí minh sang Pháp năm 1946 - KH 53-137.
Bác Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi ở Việt Bắc, năm 1954.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Mục lục ảnh LIII-SLT411.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi Liên Xô trong dịp Bác sang thăm Liên Xô, năm 1957.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Mục lục ảnh LIV (1954-1985)-SLT1443.
Các cháu học sinh giỏi quây quần nghe Bác Hồ kể chuyện nhân dịp mừng thọ Người, năm 1959.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Mục lục ảnh LIV (1954-1985)-SLT1453.
Đây là những hình ảnh quý, hết sức bình dị mà chan chứa tình thương yêu, sự quan tâm của vị lãnh tụ đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng và cũng là sự thể hiện tình cảm, sự kính yêu của các cháu dành cho Bác Hồ kính yêu.
Chú thích:
1. TTLTQGIII, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7 (1951-1952), NXB CTQG, 2011, Tr498-499.
2. TTLTQGIII, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phông GS VS Vũ Tuyên Hoàng, hồ sơ 796.
Nguồn: //luutru.jjttf.com/
Trực tuyến: 11
Hôm nay: 266