Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Ảnh: TTXVN.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền (PCPQ) nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, góp phần xây dựng nền hành chính Nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, như: Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước (QLNN) giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về Hội nghị lần thứ sáu (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp QLNN theo ngành, lĩnh vực; Nghị quyết số 08/2021/QH15 ngày 23/7/2021 của Quốc hội (khóa XV) về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội.
Đại hội XIII Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất; đồng thời, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành”1.
Thứ nhất, trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng và thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), các quy định về PCPQ đang từng bước được điều chỉnh theo yêu cầu của cải cách hành chính, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐP, khai thác tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với các ngành, lĩnh vực.
Giai đoạn năm 2016 – 2021, để thực hiện PCPQ QLNN, các bộ, ngành đã tham mưu, trình Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung 71 văn bản luật, 22 nghị quyết của Quốc hội, 2 pháp lệnh và 17 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh và triển khai các cam kết quốc tế, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết; ban hành 775 nghị định, 235 quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh cho các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, phục hồi kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-192.
Thứ hai, qua việc rà soát các quy định về PCPQ và tổng kết thực tiễn về PCPQ, các bộ, ngành đã chủ động, tham mưu, trình Chính phủ ban hành 50 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm 3.893/6.191 thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm; cắt giảm và đơn giản hóa 6.776/9.926 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó, rút ngắn được thời gian, tạo sự chủ động trong công tác quản lý, điều hành, tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương với hơn 6.300 tỷ đồng/năm3.
Thứ ba, việc thực hiện PCPQ đã bước đầu gắn với đổi mới phương thức, lề lối làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm tính tập trung, thống nhất, giảm bớt sự chồng chéo, trùng lắp trong thực hiện nhiệm vụ, tạo sự thay đổi rõ rệt trong phương thức làm việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước và giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp, hướng tới chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Thứ tư, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương và các quy định về PCPQ, các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương đã rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy QLNN các cấp. Kết quả rà soát các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương (không tính Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), đã cắt giảm được 12 vụ, 10 đơn vị sự nghiệp công lập. Tại các địa phương đã giảm 5 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 973 tổ chức cấp phòng, 127 tổ chức cấp chi cục, 1.179 cấp phòng thuộc chi cục và 294 cơ quan chuyên môn cấp huyện. Qua rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và xã đã sáp nhập và giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 557 đơn vị hành chính cấp xã.
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến nay, tổng biên chế các bộ, ngành đã giảm 10.284 người, các địa phương đã tinh giản được 13.612 người so với thời điểm 20155.
Thứ năm, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tham mưu cho Chính phủ khắc phục được 15/21 các vấn đề giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, phân định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong tổ chức thực hiện, đến nay phát sinh thêm 11 vấn đề mới, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ6.
Thứ sáu, việc thực hiện PCPQ gắn với đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách và đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính cho cơ quan hành chính nhà nước đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tiết kiệm chi tiêu công và thúc đẩy việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ bảy, từ năm 2018 đến nay, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết thực hiện thí điểm tăng cường PCPQ cho các địa phương theo các cơ chế, chính sách đặc thù. Đến ngày 18/6/2021 đã có 9/63 tỉnh, thành phố được trao cơ chế, chính sách đặc thù (TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ và Khánh Hòa). Các cơ chế, chính sách này đã và đang phát huy tiềm năng, lợi thế, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo tác động lan tỏa7.
Trong những năm qua, việc PCPQ giữa Chính phủ với CQĐP đã được đẩy mạnh đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và phát huy sự chủ động, sáng tạo của CQĐP, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN. Tuy nhiên, việc PCPQ giữa các cấp chính quyền trong thời gian qua vẫn còn những bất cập, hạn chế, cụ thể:
Một là, PCPQ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với CQĐP còn có những hạn chế, bất cập, đặc biệt là việc quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định nhiều vấn đề cụ thể theo các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, chưa bảo đảm yêu cầu về đổi mới hoạt động của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII: “Chính phủ tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất chính sách”8. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của các ngành, lĩnh vực, ảnh hưởng đến quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; đồng thời, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành và địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện.
Hai là, trong giai đoạn hiện nay vẫn còn tình trạng phân quyền trực tiếp cho các bộ, ngành ngay trong các luật chuyên ngành, đặc biệt là việc quy định một số bộ, ngành cùng tham gia quản lý về một ngành, lĩnh vực, chưa bảo đảm sự thống nhất quản lý của Chính phủ theo quy định tại khoản 2 Điều 39, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2019), vừa thiếu nhất quán trong việc thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm. Điều này làm phát sinh sự giao thoa, chồng chéo trong phân công nhiệm vụ, dẫn đến nhiều việc phải dồn lên Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc phải thành lập nhiều Ban Chỉ đạo liên ngành để giải quyết.
Ba là, PCPQ trên một số ngành, lĩnh vực chưa hợp lý, mang tính đồng đều giữa các địa phương, chưa tính tới đặc điểm nông thôn, đô thị, điều kiện bảo đảm thực hiện và khả năng quản lý, điều hành của từng cấp, từng ngành. Theo đó, chưa phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, tính chủ động, sáng tạo của các địa phương, đặc biệt là các địa phương tự bảo đảm ngân sách nhưng chưa được trao quyền chủ động trong việc sử dụng, điều tiết ngân sách giữa các cấp chính quyền, làm hạn chế sự linh động, sáng tạo và thời cơ phát triển của các địa phương.
Bốn là, PCPQ chưa gắn với cải cách thủ tục hành chính, vẫn còn cơ chế kiểm soát của cấp trên qua các hình thức thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến, cho phép… đối với các vấn đề đã phân cấp cho cấp dưới; các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế – kỹ thuật ở một số ngành, lĩnh vực chậm được sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Năm là, cơ chế, nguồn lực, lực lượng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện đồng bộ so với thực trạng được PCPQ; chưa có đầy đủ chế tài đối với việc thực hiện không nghiêm các quy định; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế, hiện tượng lạm quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chậm đẩy lùi9.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế ở trên xuất phát từ nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan tham mưu xây dựng thể chế, chính sách theo từng ngành, lĩnh vực chưa thực hiện nhất quán tinh thần PCPQ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và CQĐP theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Các cơ quan nhà nước chưa quyết liệt, bám sát các nguyên tắc để đẩy mạnh PCPQ trong quá trình hoàn thiện thể chế theo ngành, lĩnh vực, có bộ, ngành còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc hoàn thiện các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế – kỹ thuật theo yêu cầu QLNN đối với ngành, lĩnh vực làm cơ sở để đẩy mạnh PCPQ. Việc rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ, công chức nhận thức còn hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu của thực tiễn; chưa thực sự coi trọng một cách đầy đủ vai trò của thị trường trong huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, chưa nhận thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đẩy mạnh PCPQ gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực QLNN đối với ngành, lĩnh vực.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đẩy mạnh PCPQ trong thời gian tới cần một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành, theo hướng đẩy mạnh PCPQ, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với CQĐP bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, khoản 2 Điều 5 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), trong đó: Chính phủ tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất chính sách; Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm QLNN về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành theo phân công của Chính phủ và những vấn đề thuộc trách nhiệm của CQĐP trong phạm vi đã được PCPQ.
Hai là, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và địa phương gắn PCPQ với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, nâng cao chất lượng công vụ, công chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế – kỹ thuật, cơ chế kiểm soát giá, phí đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, loại bỏ các quy định phải có ý kiến thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến, cho phép của cơ quan nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được quản lý trên cơ sở quy hoạch. Theo đó, các bộ ngành có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền.
Bốn là, tiếp tục theo dõi việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đối với 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chủ trương của Bộ Chính trị, đặc biệt là các địa phương tự bảo đảm ngân sách.
Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó có những chính sách khoa học, hợp lý, bảo đảm tính khả thi và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Năm là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan QLNN từ trung ương đến địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó: (1) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các nội dung QLNN theo ngành, lĩnh vực, kịp thời nắm bắt những vướng mắc, khó khăn và xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức, thực hiện; (2) Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được PCPQ.
Nguồn: //www.quanlynhanuoc.vn/
Trực tuyến: 4
Hôm nay: 7